Trang Chủ / TV Show / Nỗi lo của sân khấu truyền thống

Nỗi lo của sân khấu truyền thống

Đào tạo văn hóa nghệ thuật là ngành hết sức đặc thù, có vị trí quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, câu chuyện tuyển sinh của các trường đào tạo trong những khối ngành này luôn là vấn đề được quan tâm khi mà lượng thí sinh đăng ký vào rất èo uột. Đầu vào thiếu, sân khấu đứng trước nguy cơ thiếu lớp trẻ kế cận…

Nỗi lo của sân khấu truyền thống

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống và hát của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Ảnh: N.Thiện.

Số sinh viênnhọc năng khiếu nghệ thuật giảm mạnh

Cả nước hiện có 54 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và nhiều cơ sở có khoa đào tạo về lĩnh vực này. Tuy nhiên, những năm qua, công tác tuyển sinh đầu vào của khối trường ngành văn hóa nghệ thuật năm nào cũng gặp khó. Số lượng sinh viên theo học năng khiếu nghệ thuật ngày càng giảm. Đặc biệt, số lượng thí sinh đăng ký thi vào ngành đào tạo diễn viên cải lương, diễn viên chèo, diễn viên múa rối, nhạc công kịch hát dân tộc ít đến mức báo động.

Đào tạo văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, thời gian đào tạo một khóa học nghệ thuật dài, sàng lọc cao, tuổi nghề lại ngắn, chế độ chính sách chưa được phù hợp… dẫn đến tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển cho rằng, đây là một thực tế cần suy xét để có giải pháp thích hợp. Hướng chung là phải nghiên cứu kỹ nhu cầu của xã hội đối với các ngành học của khối ngành văn hóa nghệ thuật, từ đó có kế hoạch đào tạo, tuyển sinh hợp lý, hiểu rõ nhu cầu một cách cụ thể.

“Khó tuyển sinh nhất là các bộ môn về nghệ thuật truyền thống, nhất là nhạc cụ. Đây là vấn đề mà các đơn vị liên quan đến văn hóa nghệ thuật cần góp phần giải quyết. Một khi nghệ thuật truyền thống có vị trí xứng đáng trong xã hội thì mới tạo được việc làm cho những người học ngành này, từ đó thuận lợi cho việc tuyển sinh” – TS Long nói.

Lý giải nguyên nhân, PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, các thí sinh ngần ngại khi đăng ký vào các ngành học này. Một trong những lý do là đầu ra của sinh viên khá hẹp, không có biên chế khi các em về đơn vị nghệ thuật truyền thống. Có những em rất đam mê với nghề nhưng cũng không có cơ hội để đầu quân ở các Nhà hát hoặc đơn vị nghệ thuật truyền thống. Đối với các ngành lý luận phê bình, đây là ngành đào tạo đòi hỏi các kỹ năng cũng như kiến thức rất cao, tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm cũng không nhiều.

Hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật ở các địa phương hiện cũng đối mặt với nhiều thách thức. Chia sẻ về những khó khăn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Mãi cho biết: Hiện nay, công tác tuyển sinh của nhà trường rất khó khăn vì trên địa bàn có nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật bậc cao, ít bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật truyền thống vốn yêu cầu rất khắt khe về năng khiếu và chuyên môn. Nhà trường cũng đang đối mặt với nguy cơ bị sáp nhập với các cơ sở đào tạo nghề khác.

Đồng quan điểm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn học nghệ thuật và Du lịch Hải Dương Nguyễn Thị Nga cho biết, nhiều năm qua, để thu hút các thí sinh, nhà trường đã kết hợp tuyển sinh trên nền tảng mạng xã hội, mở hệ năng khiếu ngắn hạn… song cũng chỉ cải thiện được phần nào.

Tháo gỡ khó khăn

Nhiều ý kiến cho rằng, để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tuyển sinh của những trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là những khối ngành nghệ thuật truyền thống thì cần có cơ chế, chính sách đặc thù.

PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi cho rằng: Hiện nay các trường đại học nghệ thuật không đào tạo được trung cấp. Với các ngành nghệ thuật truyền thống, nếu có thể tuyển sinh lứa tuổi tốt nghiệp THCS để đào tạo trình độ trung cấp trước thì nguồn tuyển sẽ phong phú hơn, sẽ có nhiều học sinh theo học hơn. Các ngành như xiếc, múa, cần đào tạo các em từ lứa tuổi nhỏ, về cả chuyên môn và văn hóa. Đây cũng là một trong những giải pháp để có thêm thí sinh theo học các ngành học đặc thù.

Đồng quan điểm, TS Phạm Việt Long cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh khối ngành văn hóa nghệ thuật, cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp. Ở đó, các trường đại học nên tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành nghệ thuật để có cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo. Đầu tư vào cơ sở vật chất, cập nhật chương trình giảng dạy để phù hợp với xu hướng hiện đại, giúp sinh viên nắm vững kỹ năng cần thiết. Cùng với đó, tổ chức các sự kiện, hội thảo để nâng cao nhận thức về giá trị và cơ hội của các ngành nghệ thuật, thu hút sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh.

Bên cạnh đó, những cơ sở đào tạo cũng cần phải có những giải pháp mới, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và chú trọng kết hợp những giá trị truyền thống với giá trị thời đại trong công tác đào tạo.

Theo Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đào tạo văn hóa nghệ thuật là ngành đào tạo đặc thù và rất quan trọng trong thời kỳ hiện nay. Để tháo gỡ những khó khăn, các trường đào tạo cần chủ động hơn, bám sát mục tiêu phát triển văn hóa, nghệ thuật của địa phương, chú trọng chất lượng đào tạo. Đặc biệt, các trường cần có sự phân tầng trong hoạt động đào tạo. Tại các thành phố lớn nên hướng tới đào tạo đỉnh cao, các địa phương tập trung đào tạo nghệ thuật phong trào, phát hiện, bồi dưỡng tài năng.

Nguồn: Nguồn daidoanket.vn

Nỗi lo của sân khấu truyền thống - TV Show