Các buổi hòa nhạc của Taylor Swift không chỉ là những sự kiện âm nhạc, chúng còn đóng vai trò là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế ở những khu vực nơi nữ ca sĩ biểu diễn. Tại khu vực Đông Nam Á, để mang Taylor về biểu diễn, Singapore có nước cờ khiến Thái Lan chỉ biết ngậm ngùi.
Taylor Swift cho thấy sức hút không tưởng khi hút 96.000 khán giả đổ bộ về Melbourne Cricket Ground (Melbourne) – sân vận động lớn thứ 11 thế giới cho đêm diễn The Eras Tour tại Australia hôm 16/2. Đây là đêm diễn có lượng khán giả lớn nhất của cô trong sự nghiệp, khiến nữ ca sĩ xúc động trước sự reo hò cổ vũ của gần 100.000 người.
96.000 người đến đêm diễn của Taylor Swift ở Melbourne Cricket Ground. Ảnh: The Eras Tour.
Cột mốc mới giúp cô vượt mặt Lady Gaga, trở thành nữ nghệ sĩ có đêm diễn hút lượng khán giả đông nhất. Trước đó, kỷ lục này thuộc về đêm diễn trước 78.000 khán giả trong khuôn khổ Chromatica Ball Tour năm 2022, sân vận động Stade de France (Pháp) của Lady Gaga.
Taylor Swift tổng cộng có ba đêm diễn tại Melbourne, bốn đêm tại Sydney để kết thúc chặng lưu diễn tại Australia trước khi khuấy đảo khán giả Singapore với sáu đêm diễn.
Nước đi của Singapore khiến Thái Lan chỉ biết tiếc nuối
Singapore được xác nhận là điểm dừng chân duy nhất tại khu vực Đông Nam Á. Cơ sở hạ tầng phát triển tại đây cho thấy khả năng kết nối mạnh mẽ với khu vực, cùng với nền quản trị ổn định và các biện pháp an ninh mạnh mẽ là một số yếu tố giúp Singapore trở thành lựa chọn phổ biến của các nghệ sĩ quốc tế. Singapore cũng là điểm đến hợp lý với khán giả Việt Nam nếu muốn thưởng thức concert của Taylor Swift.
Với lợi ích to lớn đi kèm với việc tổ chức những buổi hòa nhạc của Taylor Swift, không có gì đáng ngạc nhiên khi các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cạnh tranh để giành lấy cơ hội đưa nữ ca sĩ về đất nước mình. Singapore đánh tất tay, bỏ ra số tiền khổng lồ để loại bỏ đối thủ Thái Lan, độc quyền 'The Eras Tour' tại thị trường Đông Nam Á.
Sky News cho biết Ông Srettha Thavisin - Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan tiết lộ Singapore đã thực hiện một thỏa thuận để đảm bảo Taylor Swift sẽ không biểu diễn ở bất kỳ nơi nào khác ở Đông Nam Á.
Singapore chi hơn 400 tỷ đồng độc quyền "The Eras Tour" của Taylor Swift tại Đông Nam Á. Ảnh: Getty.
Phát biểu tại Diễn đàn iBusiness 2024 ở Bangkok, ông nói chính phủ Singapore đã đưa ra mức giá từ 2 đến 3 triệu USD cho mỗi buổi diễn để đổi lấy quyền lợi để quốc gia này làm địa điểm độc quyền cho các buổi hòa nhạc của cô.
Taylor Swift có sáu buổi diễn cháy vé dự kiến diễn ra tại Singapore tại Sân vận động Quốc gia có sức chứa 55.000 chỗ ngồi vào tháng 3.
Ông Srettha đánh giá sự sắc sảo của Singapore và cho biết nếu tour diễn ở Thái Lan, ông tin rằng có thể thu hút nhiều nhà tài trợ và khách du lịch đến đất nước này hơn. “Mặc dù chúng tôi sẽ phải trợ cấp ít nhất 500 triệu baht (xấp xỉ 14 triệu USD), nhưng điều đó đáng giá. Nếu tôi biết điều này, tôi đã mang buổi biểu diễn đến Thái Lan" – ông nói và nhấn mạnh các buổi hòa nhạc có thể tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Taylor Swift có thể mang lại gì khiến Singapore chơi tất tay?
Tác động kinh tế của The Eras Tour được mô tả là “đáng kinh ngạc”. Các quốc gia và thành phố nơi Taylor Swift biểu diễn đều có doanh thu tăng mạnh. Chỉ riêng ở Bắc Mỹ, chuyến lưu diễn dự kiến sẽ thu về 2,2 tỷ USD.
Tại Cincinnati, Ohio (Mỹ) các khách sạn đã thu về 2,6 triệu USD khi cô biểu diễn vào cuối tuần từ ngày 30/6-1/7/2023. Ở Chicago, điểm dừng chân ba ngày của Taylor Swift hồi đầu tháng 6 đã giúp thành phố lập kỷ lục về công suất phòng khách sạn, thu về 39 triệu USD trong một ngày cuối tuần.
Theo công ty nghiên cứu thị trường AskPro, chuyến công diễn tại Mỹ của Taylor có thể mang lại thêm 5 tỷ USD cho nền kinh tế.
Ảnh: The Eras Tour.
Tương tự như vậy, đối với Singapore, các buổi biểu diễn của Taylor Swift được kỳ vọng sẽ tạo ra hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và giải trí. Với lượng người hâm mộ cuồng nhiệt trên khắp Đông Nam Á, các buổi hòa nhạc của Taylor Swift dự kiến sẽ thu hút các Swifties (tên fan Taylor Swift - PV) từ khắp khu vực.
Chủ tịch Traveloka, Caesar Indra cho hay lượng đặt vé máy bay trong thời gian diễn ra các buổi hòa nhạc của Coldplay và Taylor Swift năm 2024 tăng gấp sáu lần, cho thấy mức độ phổ biến của hình thức du lịch âm nhạc. Ngoài ra, số lượng đặt phòng khách sạn tại một số khách sạn ba và bốn sao tăng hơn 20%, theo Channel News Asia .
Bloomberg mô tả hiện tượng “Swiftonomics - Nền kinh tế Taylor Swift”, trong đó nhu cầu về các buổi hòa nhạc của Taylor cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu như thế nào cho những gì họ đã bỏ lỡ trong đại dịch, ngay cả khi suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Tại Singapore, phép tính cho thấy khoảng 67,4 triệu USD sẽ được chi riêng cho vé xem buổi hòa nhạc của Taylor Swift trong sáu đêm. Điều này dựa trên mức giá trung bình là 168 USD (giá vé dao động từ 80 USD-257 USD) và dựa trên giả định khoảng 400.000 người sẽ lấp đầy các đêm diễn.
Các chuyên gia cho rằng làn sóng tổ chức các buổi hòa nhạc sắp tới tại Singapore sẽ là động lực thúc đẩy du lịch và các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như ngành khách sạn, cuộc sống về đêm và thực phẩm và đồ uống (F&B).
Phó giáo sư Lau Kong Cheen, Trường Kinh doanh thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) cho biết các buổi hòa nhạc lớn ở Singapore sẽ thu hút người hâm mộ trong khu vực đến đây và trực tiếp tăng doanh thu cho các lĩnh vực như khách sạn, F&B và bán lẻ.
Ông cho rằng sự thúc đẩy này sẽ tốt cho nền kinh tế Singapore, vì nó cần phải bù đắp cho sự tạm lắng kinh tế trong đại dịch COVID-19. Phó giáo sư tin sự hiện diện của các hoạt động lớn, điển hình là concert của Taylor Swift sẽ nâng cao hình ảnh sôi động của Singapore.
Bà Selena Ling, nhà kinh tế kiêm người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu và Chiến lược Kho bạc tại Ngân hàng OCBC cho biết những người làm việc trong các ngành liên quan đến du lịch sẽ được hưởng lợi từ hoạt động tăng cường nhờ các buổi hòa nhạc.
Dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Singapore cho thấy mức chi tiêu trung bình của mỗi du khách đến đất nước này vào năm 2019 là 1.072 USD. Phó giáo sư Lau kỳ vọng du khách sẽ chi tiêu nhiều hơn.
Các buổi hòa nhạc của Taylor Swift không chỉ là những sự kiện âm nhạc, chúng còn đóng vai trò là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Getty.
Ông Edwin Tong, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Singapore nói buổi hòa nhạc duy nhất ở Singapore của Taylor Swift tại Đông Nam Á là ví dụ về tầm cỡ sự kiện mà họ hướng tới nhằm tăng cường các dịch vụ dành cho người dân Singapore cũng như khách du lịch.
Hiệu ứng Taylor Swift lan rộng không chỉ lĩnh vực âm nhạc. Sky News khẳng định sự xuất hiện của nữ ca sĩ 34 tuổi tại Super Bowl (Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ) đã giúp nó trở thành chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ, với 123,4 triệu lượt xem khắp mọi nền tảng, chỉ đứng sau chuyến đổ bộ lên mặt trăng của tàu Apollo 11 năm 1969, ước tính lên tới 150 triệu người ở Mỹ dõi theo.
Sự xuất hiện được nhiều người mong đợi của Taylor Swift được đánh dấu bằng việc cô uống bia và ăn mừng chiến thắng kịch tính cho đội của bạn trai Travis Kelce.
Nữ ca sĩ liên tục được chiếu trên màn ảnh rộng của Sân vận động Allegiant ở Las Vegas. Có tới 51% người trong cộng đồng fan của nữ ca sĩ muốn xem sự kiện chỉ vì sự hiện diện của Taylor trên khán đài, theo khảo sát của RadioTimes . Ngoài ra, dù tới cổ vũ, giọng ca Cruel Summer vẫn làm tăng doanh thu nhiều ngành ở Mỹ nhờ trang phục.
Nữ ca sĩ Việt: Chồng luôn "nguyền rửa" tôi sẽ không làm được, chắc chắn thất bại