Trải dài qua hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, Tây Côn Lĩnh được ví như nóc nhà của vùng Đông Bắc.
Nằm ở độ cao 2.427m so với mực nước biển, Tây Côn Lĩnh là ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc với địa hình núi cao đặc trưng: Chân núi mang khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, còn đỉnh núi mang khí hậu ôn đới núi cao.
Để chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, du khách phải trải qua những cung đường khá cheo leo, hiểm trở với nhiều rừng già, vực sâu và đường đèo dốc quanh co.
Tây Côn Lĩnh là ngọn núi có bề mặt thảm thực vật vô cùng phong phú. Nhiều loại lá cây thân thảo, rêu xanh cuối mùa sinh trưởng trên bề mặt tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).
Với những người đam mê xê dịch, đây thực sự là điểm đến không thể bỏ qua để thử cảm giác mạo hiểm và khám phá cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng. Tuy nhiên, muốn chinh phục đỉnh núi này, du khách cần phải có sức khỏe, kinh nghiệm và sự quyết tâm cao.
Trên hành trình chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, du khách phải vượt qua những con suối, đoạn đường gập ghềnh nhiều đất đá lởm chởm, bùn lầy (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).
Với những người tay lái "cứng", việc di chuyển qua những khúc cua nguy hiểm, những dốc đá cheo leo từ Bản Nhùng, Bản Nậm Hồng lên chân núi cũng là thử thách lớn. Để vượt qua các khu vực này, du khách nên chọn những loại xe phân khối lớn gầm cao, máy khỏe.
Quá trình chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, du khách có thể bất chợt gặp mưa rào. Điều này khiến việc di chuyển trong rừng càng trở nên khó khăn, vất vả.
Du khách phải trải qua nhiều khó khăn trên hành trình chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).
Với những đoạn leo bộ, bùn đất nhão và những thảm đất ngập lá vàng, lá đỏ rơi làm cho đường trơn trượt hơn. Người leo núi phải di chuyển từng bước thật cẩn trọng và chậm rãi.
Vượt qua quãng đường gian khổ, du khách được bù đắp khi tận mắt chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang nối nhau tầng tầng, lớp lớp như đợt sóng vàng đang vào vụ, trải dài trên sườn núi.
Men theo con đường nhỏ "vắt vẻo" trong sương mờ, du khách lái những con "chiến mã" chạy nối đuôi nhau. Bao quanh là những dải lúa vàng óng, tỏa mùi thơm nồng nàn của hương lúa mới đang độ thu hoạch.
Khung cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín đẹp thơ mộng trên đường chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).
Du khách dừng chân nghỉ ngơi, chụp hình với cánh đồng lúa chín (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).
Trên đường chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, du khách còn được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ngắm trọn vườn thảo quả xanh ngút ngàn được trồng dọc theo dãy núi.
Những đặc điểm tự nhiên cùng kinh nghiệm trồng trọt của người dân nơi đây đã tạo nên những trái thảo quả đặc trưng, năng suất.
Những cây Pơ mu cổ thụ nghìn năm tuổi trong rừng già cao sừng sững được phủ rêu phong quanh thân cây như minh chứng sự trường tồn với thời gian (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).
Những cành cây khúc khủyu với hình dáng uốn lượn càng trở nên kỳ dị hơn khi phủ kín rêu phong (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).
Càng di chuyển lên cao, du khách càng cảm nhận được những sự thay đổi khác biệt, nơi có những khu rừng tĩnh mịch và bí ẩn. Khu vực này quanh năm chìm trong gió lạnh, sương mù nên du khách dễ dàng bắt gặp những cây gỗ phủ đầy rêu phong hay những thân gỗ mục mắc kẹt trên cây.
Tiếng chim gọi bầy vọng lại qua vách núi, tiếng côn trùng kêu giữa không gian tĩnh lặng khiến du khách cảm giác như đang lạc vào một xứ sở thần tiên vốn chỉ thấy trong phim viễn tưởng (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).
Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm nên đỉnh núi chìm trong sự lạnh giá, mây mù. Du khách nên chọn mặc áo khoác gió hoặc một chiếc áo mưa mỏng để giữ nhiệt, đảm bảo sức khỏe cho hành trình (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).
Sau hàng giờ chinh phục cung đường đầy thử thách, gian nan với độ cao hơn 2.428m, những nhà leo núi không khỏi vỡ òa trong giây phút "chạm đỉnh". Họ xúc động chạm lên lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc để thấy được sự thiêng liêng và tự hào dân tộc, thêm yêu đất nước tươi đẹp,...
Chuyến hành trình tuy gian nan, vất vả nhưng để lại cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy).